Bệnh thường gặpBệnh về da - tócDị ứng - Mề đay

Dị ứng mày đay và cách chữa

Bị dị ưng nổi nốt khắm người hơn 1 năm, dạo này tôi bị ngứa rất khó chịu, ngứa quá tôi gãi thì nó bị nổi đỏ có vết rớm máu.

Tôi bị dị ưng nổi nốt khắm người.

Tôi đã bị 1 năm nay, dạo này tôi bị ngứa rất khó chịu, ngứa quá tôi gãi thì nó bị nổi đỏ có vết rớm máu.

Tôi đi khám bác sỹ bảo bị dị ứng mày đay nhưng toi uống thuốc vân chưa khỏi rất mong nhân được sự chỉ bảo của các bác

Trả lời:

Chúng tôi xin trích dẫn bài của GS Nguyễn Xuân Hiền, Sức Khoẻ & Đời Sống:

Mày đay là một dạng dị ứng với những yếu tố kích thích từ nội giới hoặc ngoại giới mà cơ thể không quen, không chịu được. Đại đa số trường hợp có liên quan tới cơ địa mẫn cảm di truyền (bố mẹ, anh chị em hoặc bản thân bị hen, eczema).

Triệu chứng mày đay khá điển hình. Tổn thương biểu hiện thành từng vết sẩn có đường kính 1-2 cm hoặc thành đám sẩn to, hình dáng bất kỳ, tròn hoặc vằn vèo, ranh giới rõ, gồ lên mặt da, màu đỏ, nắn cộm. Bệnh nhân ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, tổn thương mọng lên, nổi thêm nhiều đám khác. Vài giờ, vài ngày sau, các sẩn có thể lặn, không để lại di chứng gì trên da. Nhưng bệnh có xu hướng tái phát, rất thất thường, do nhiều yếu tố. Đợt nổi đầu tiên gọi là mày đay cấp; những đợt sau đó 4-8 tuần gọi là mày đay tái phát, mạn tính.

Các yếu tố gây mày đay rất đa dạng: thời tiết nóng, lạnh, ánh sáng, tỳ ép, chà xát, phấn hoa, bụi trong nhà, lông thú, dược phẩm, thức ăn (tôm, cua, mực, nhộng...), chứng táo bón, giun sán, sự suy giảm chức năng thải độc của gan thận.

Để chẩn đoán mày đay, ngoài việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn cần hỏi tỉ mỉ về tiền sử gia đình, việc dùng thuốc, thức ăn, kể cả điều kiện và môi trường sinh hoạt lao động. Khi cần, phải xét nghiệm thêm về máu.

Đa số trường hợp mày đay là lành tính, chỉ gây ngứa ở mức độ khác nhau và ảnh hưởng ít nhiều đến trạng thái tâm thần kinh, làm bệnh nhân khó chịu, bực bội. Có trường hợp (rất hiếm gặp) mày đay cấp diễn biến theo kiểu sốc phản vệ, gây tím tái, khó thở, sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, có khi dẫn tới tụt huyết áp, trụy tim mạch, đe dọa tính mạng, phải cấp cứu tích cực mới qua khỏi. Phù Quinck (một thể mày đay đặc biệt ở mặt, làm cả một vùng mặt sưng vù, cộm cứng, ngứa vừa phải) có thể gây phù nề thanh quản, khó thở. Nếu không kịp thời xử trí, chứng này có thể dẫn tới tử vong do suy hô hấp.

Khi bị mày đay, nên đi khám vì để lâu, mày đay sẽ thành mạn tính và khó chữa. Để điều trị các cơn mày đay sơ phát hoặc tái phát, có thể dùng các loại thuốc kháng histamin kèm theo thuốc an thần, hiện có rất nhiều biệt dược như: Phenergan, Peritol, Zyrtec, Claristin... Khi cần, phải dùng cả đến thuốc cocticoit (Prednisolon, Cortancyl), kết hợp kháng sinh. Có trường hợp phải kết hợp tẩy giun sán, giải quyết các ổ nhiễm khuẩn ở tai mũi họng, đại tràng nếu có. Trường hợp phù Quinck nặng hoặc mày đay kiểu sốc phản vệ phải được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện. Bệnh nhân không nên tự động dùng thuốc.

Hằng ngày, nên hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê, muối vì chúng làm tăng độ nhạy cảm của thần kinh trung ương và ngoại vi, tăng ngứa. Tư tưởng phải thoải mái, an tịnh, tránh quá lo lắng bi quan vì bệnh. Cố gắng chống gãi để không gây thêm tổn thương trên da. Người bị mày đay do lạnh, nên hết sức thận trọng khi đi tắm sông, tắm biển, đề phòng bị chuột rút rất nguy hiểm.

Bình luận (0)

    Top