Bệnh thường gặpBệnh về thận

Những dấu hiệu bệnh thận ở trẻ em

Hay đi tiểu (khoảng 1 tiếng / 1 lần). Biếng ăn. Đêm ngủ rất hay mơ sau đó giật mình tỉnh giấc khóc thét.

Xin các bác sĩ cho hỏi: Con trai tôi năm nay đã 3 tuổi. Tôi nghi cháu có những dấu hiệu của BỆNH THẬN:

- Hay đi tiểu (khoảng 1 tiếng / 1 lần). Biếng ăn; Đêm ngủ rất hay mơ sau đó giật mình tỉnh giấc khóc thét lên; Hay kêu CON MỆT.

Vậy đó có phải là những dấu hiệu của bệnh thận không? Nếu nghi ngờ của tôi là đúng, tôi muốn đưa cháu đi khám thì cần phải làm những xét nghiệm gì?


Những dấu hiệu bệnh thận ở trẻ em

Nhiều bậc cha mẹ rất đỗi ngạc nhiên khi được bác sĩ thông tin rằng con mình bị bệnh thận, bởi vì họ thường nghĩ đây là bệnh của người lớn. Thực tế, trẻ có thể mắc bệnh thận từ khi còn trong bào thai, lúc mới sinh hay bất cứ độ tuổi nào trong quá trình tăng trưởng.  Xin đề cập ở đây những bệnh thận thường gặp ở trẻ em như: nhiễm trùng đường tiểu, viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư cùng những dấu hiệu, triệu chứng nhằm phát hiện bệnh sớm, cách săn sóc trẻ khi mắc bệnh và phương cách theo dõi, phòng ngừa bệnh. 

 I. Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em 

Bao gồm bệnh cảnh viêm bể thận (nhiễm trùng đường tiểu cao) và viêm bàng quang (viêm đường tiểu thấp).  

A. Viêm bể thận

Triệu chứng định bệnh rất mơ hồ ở trẻ dưới 1 tuổi, do đó bác sĩ nhi khoa luôn luôn phải nghĩ đến để tìm và cho xét nghiệm nhằm có thể chẩn đoán kịp thời: - Trẻ có thể sốt rất cao từ 39,5oC - 40oC kèm lạnh run nhưng đôi khi có thể biểu hiện bằng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. - Bỏ bú. - Ọc sữa, đôi khi tiêu chảy. - Khóc thét khi đi tiểu. - Ở trẻ lớn sẽ dễ định bệnh hơn vì trẻ có thể kể cho cha mẹ và bác sĩ nghe - trẻ bị tiểu đau, rát, tiểu nhiều lần. - Ðau hố thắt lưng. - Sốt cao ở trẻ lớn luôn là triệu chứng rất đáng tin cậy trong viêm bể thận. Những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán viêm bể thận: 

1. Công thức máu: sẽ giúp thầy thuốc hướng đến bệnh lý nhiễm trùng với bạch cầu máu cao và nổi bật là đa nhân trung tính.

2. Cấy máu: ở trẻ nhỏ, nhiễm trùng đường tiểu cao rất dễ đưa đến nhiễm trùng huyết do đó cần thiết phải cấy máu.  

3. Xét nghiệm tìm phản ứng viêm: C-réactive protéine = C.R.P tăng cao trong viêm bể thận cấp.

4. Xét nghiệm nước tiểu:

- Ðếm bạch cầu trong nước tiểu. 

- Soi tươi tìm vi trùng. 

- Tìm nitrite/trong nước tiểu. Cấy nước tiểu là xét nghiệm để định bệnh, xét nghiệm này phải làm rất cẩn thận, vô trùng tuyệt đối điều dưỡng viên phải rửa sạch vùng hồi âm của trẻ với xà phòng và nước sạch rồi sát trùng bằng chlohexidine, sau đó mới dán bao hứng nước tiểu (ở trẻ nhỏ). Khi có nước tiểu phải lấy bằng ống tiêm vô trùng và đem gửi phòng xét nghiệm ngay để cấy vì môi trường nước tiểu rất dễ cho các vi trùng tự sinh sôi nẩy nở và sẽ dễ dẫn đến hiện tượng ngoại nhiễm đem lại kết quả chẩn đoán sai lầm. (Ở trẻ lớn: sau khi vệ sinh sạch sẽ như với trẻ nhỏ, điều dưỡng có thể lấy nước tiểu giữa dòng và đem gửi cấy ngay). Kết quả mẫu cấy nước tiểu như thế nào được xem là nhiễm trùng tiểu?: Nhiễm trùng tiểu được định nghĩa khi có sự hiện diện của một loại vi trùng duy nhất trong canh cấy với số lượng > 105 vi trùng trong 1ml nước tiểu và/ hoặc có hiện diện của bạch cầu niệu với số lượng > 104 bạch cầu/1ml nước tiểu được thực hiện trong điều kiện lấy nước tiểu và cấy nước tiểu trong điều kiện vô trùng tuyệt đối.  Các loại vi trùng gây nhiễm trùng tiểu. - Escherichia coli là vi trùng thường gặp nhất chiếm 80% các trường hợp nhiễm trùng tiểu.

- Các vi trùng khác: Klebsiella, pseudomonas aeruginosa, staphylococcus, streptococcus, citrobacter. 5. Chẩn đoán bằng hình ảnh học:

- Echo thận và đường tiết niệu: Echo thận có thể phát hiện được dị dạng thận niệu để kịp thời xử trí phẫu thuật cho trẻ. Ðây là một xét nghiệm ít tốn kém và không gây sang chấn cho trẻ, cần được làm một cách có hệ thống ở tất cả trẻ được chẩn đoán xác định nhiễm trùng tiểu.

- Chụp bàng quang ngược dòng: để phát hiện trào ngược bàng quang niệu quản ở các mức độ 1, 2, 3 và 4. Chỉ định phẫu thuật thận đặt ra khi có trào ngược bàng quang niệu quản mức độ 3, 4; ở mức độ 1 và 2 điều trị nội khoa phòng ngừa nhiễm trùng tiểu với các loại kháng sinh uống.

- Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (urographie intraveineuse): rất ít khi có chỉ định trừ khi cần thiết để phẫu thuật.  

- Chụp xạ hình thận (scintigraphierénale): DMSA; DTPA sẽ phát hiện được sẹo thận và đánh giá được độ lọc cầu thận.

Ðiều trị viêm bể thận - Trước khi bắt tay vào điều trị viêm bể thận cấp người thầy thuốc cần tổng hợp các dữ kiện lâm sàng như trẻ sốt, bỏ bú, đau khi tiểu, tiểu nhiều lần, đau hố thận, các xét nghiệm như bạch cầu niệu, vi trùng trong nước tiểu và các xét nghiệm khác như bạch cầu máu, CRP để có chẩn đoán xác định.

- Cần phải điều trị bằng đường tĩnh mạch với 2 loại kháng sinh diệt khuẩn: Cephalosporine thế hệ thứ 3 và Aminoside. Cephalosporine thế hệ thứ 3 sẽ được dùng trong 10 ngày và Aminoside được chỉ định trong 5 ngày. 

- Cấy nước tiểu lại, kiểm tra vào giờ thứ 48 sau điều trị đầu tiên.

 B. Viêm bàng quang

Thường trẻ không sốt, chỉ than tiểu rát, tiểu khó, tiểu đau, tiểu nhiều lần, trẻ sợ không dám đi tiểu. Nước tiểu có thể có máu. Hay gặp viêm bàng quang ở trẻ tuổi mẫu giáo, do sợ đi tiểu nên các cháu nhịn uống nước.  Xét nghiệm chỉ cần làm tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu. Các chỉ định xét nghiệm khác không thật sự cần thiết.

Ðiều trị viêm bàng quang 

- Kháng sinh uống trong 7 ngày và khuyến khích trẻ uống nhiều nước, lưu ý các cô bảo mẫu cho trẻ uống đủ nước, dạy trẻ không được nhịn tiểu ở trường. 

- Tẩy giun kim cho trẻ định kỳ mỗi 6 tháng. 

II. Viêm cầu thận cấp (Glomerulonephritis) 

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp: 

1. Nguyên nhân do hậu nhiễm vi trùng rất thường gặp như: 

- Vi trùng: Streptococcus b tan huyết nhóm A; Staphylococcus aureus; Mycoplasma; Meningocaccus; Brucella; Leptospira. 

- Siêu vi trùng: Trái rạ (Varicella); Rubeola; Cytomegalo virus; Epstein

- Barr virus. 

- Ký sinh trùng: Toxoplasma; Trichinella; Rickettsia; Ký sinh trùng sốt rét.

2. Những nguyên nhân ít gặp hơn:

- Bệnh viêm cầu thận tăng sinh màng. (Membranoproliferative Glomerulonephritides).

- Có thể gặp trong bệnh lắng đọng IgA ở cầu thận.  

-Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (Tahomaic lupus erythematous).  

- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.   

3. Nguyên nhân hiếm gặp: Viêm nút quanh động mạch (Polyarteritis nodosa). 

Triệu chứng Viêm cầu thận cấp 

1. Lâm sàng: Tuổi thường gặp từ 3 đến 15 tuổi, trẻ phù toàn thân do giữ muối nước; tiểu ít; tiểu máu đại thể (nước tiểu có màu máu như nước thịt bò); trẻ tăng cân đột ngột trong vài ngày; Hỏi bệnh kỹ có thể biết được bệnh nhi có nhiễm trùng da hoặc viêm mũi họng trước đó 10 ngày đến 2 tuần mà không điều trị. 

2. Biến chứng: Nếu không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng đe dọa tính mạng trẻ như: Cao huyết áp; suy tim; phù phổi cấp; co giật và tử vong. 

3. Xét nghiệm: Bệnh nhân sẽ được làm những xét nghiệm định bệnh và phát hiện biến chứng của bệnh: 

- Tổng phân tích nước tiểu cho thấy nước tiểu có nhiều đạm, nhiều hồng cầu. 

- Chức năng thận: Urée máu, Créatinine máu để đánh giá mức độ suy thận. 

- Ðịnh lượng bổ thể: C3 trong máu thường giảm. 

- Ðo điện giải đồ trong máu: như natri, kali, calci/máu giúp thầy thuốc kịp thời điều chỉnh.

- Ðo điện tâm đồ và chụp X-quang phổi trong trường hợp bệnh nặng. 

- Ðo kháng thể ASO trong máu.

Ðiều trị Viêm cầu thận cấp 

1. Trẻ cần được nhập viện và nghỉ ngơi tại giường nếu có cơn cao huyết áp.  

2. Hạn chế lượng muối ăn vào và hạn chế uống nước nếu phù nhiều.  

3. Ðiều trị nhiễm trùng da hay viêm họng nếu còn ổ nhiễm trùng với Penicilline uống khi thầy thuốc khám nghĩ là viêm cầu thận cấp do liên cầu (Streptococcus b tan huyết nhóm A.)  

4. Ðiều trị biến chứng:

- Cao huyết áp với thuốc hạ áp và lợi tiểu.

- Ðiều trị suy tim và suy thận cũng như rối loạn điện giải. Những trẻ có biến chứng thường phải được theo dõi kỹ càng ở phòng cấp cứu của khoa hay ở khoa săn sóc tăng cường mới đủ phương tiện điều trị. Tiên lượng:  -95% các trường hợp viêm cầu thận cấp hậu nhiễm trùng (đa số là liên cầu) thường có dự hậu tốt. Bệnh sẽ phục hồi và không để di chứng. Tuy nhiên có một số ít trường hợp có thể dẫn đến hiện tượng hyalin ở cầu thận (glomerular hyalinization) và dẫn đến suy thận mãn bất phục hồi.  Suy tim và suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong trong giai đoạn cấp.  Phòng ngừa:  

- Thường chỉ được áp dụng đối với nhóm viêm cầu thận hậu nhiễm trùng - Giữ vệ sinh da sạch sẽ cho trẻ.  

- Ðiều trị ngay khi bị ghẻ ở ngoài da và viêm họng.  Nếu trẻ đột ngột phù, tăng cân, tiểu ít, tiểu máu các bậc cha mẹ không nên chần chờ mà phải đưa cháu đi khám sớm ở bệnh viện nhi.

Bình luận (0)

    Top