Bệnh thường gặpThần kinh - cơ xương khớp

Điều trị đau thần kinh hông và viêm khớp cùng chậu

Bị đau ở vùng xương cụt, rồi tiếp đến đau phía trong 2 đùi, chụp X-Quang thì được chẩn đoán là bị đau thần kinh hông to 2 bên, viêm khớp cùng chậu 2 bên.

1. Bệnh đau thần kinh hông (thần kinh tọa)

Đau thần kinh tọa y học gọi là đau thần kinh hông to là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Dây thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất cơ thể, xuất phát từ đám rối thần kinh thắt lưng cùng (từ L4 đến S2). Chức năng của dây thần kinh hông to là chi phối cảm giác, dinh dưỡng và vận động cho phần lớn hai chân, đặc biệt là cẳng chân.  

Nguyên nhân đau thần kinh hông 

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh hông to như bệnh lý cột sống (thoái hóa cột sống, dị tật bẩm sinh cột sống, lao cột sống, ung thư cột sống...), bệnh lý khớp cùng chậu... nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là bệnh lý đĩa đệm, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Theo nhiều tác giả thì có tới trên 80% số bệnh nhân đau thần kinh hông to là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Chính vì vậy cần tìm ra nguyên nhân đau thần kinh hông to để có cách điều trị phù hợp. Đặc điểm chung của đau dây thần kinh hông to là đau âm ỉ ngang thắt lưng, lan theo đường đi của dây thần kinh hông to (mặt sau đùi xuống mặt sau cẳng chân, gót chân, bàn chân).  

Điều trị đau thần kinh hông 

Điều trị đau dây thần kinh hông to trước hết cần điều trị nguyên nhân gây đau thần kinh hông to. Cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Giai đoạn cấp tính (trong vòng một tuần đầu tiên) người bệnh cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tránh vận động, không xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, điện châm... để tránh co cứng cơ, có thể làm bệnh nặng thêm. Sau giai đoạn cấp cho bệnh nhân vận động nhẹ nhàng tại chỗ tránh teo cơ, rối loạn dinh dưỡng. Có thể kết hợp nhiều biện pháp như dùng thuốc tại chỗ với toàn thân, tây y kết hợp với đông y, lý liệu, vận động. Trước hết cần tuân thủ các nguyên tắc ở trên, các biện pháp cụ thể như sau: 

+ Dùng thuốc giảm đau kháng viêm toàn thân: lựa chọn thuốc tùy trường hợp cụ thể có thể dùng nhóm paracetamol, diclofenac,... Các thuốc này có ưu điểm là rẻ tiền, dễ mua nhưng có hại cho gan và có thể gây viêm loét đường tiêu hóa. 

+ Cần thận trọng dùng paracetamol cho người có tiền sử bệnh lý gan, nghiện rượu... Diclofenac không dùng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng. Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2- 3 lần trong ngày. 

+ Có thể lựa chọn các thuốc họ xicam, nhóm coxcib, các nhóm này ít tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, thời gian bán hủy dài nên có thể dùng một lần trong ngày. Tuy nhiên các tác dụng phụ trên hệ tim mạch còn đang được nghiên cứu và kiểm chứng. 

+ Tuyệt đối không được dùng các thuốc kháng viêm giảm đau để thủy châm hoặc phong bế trên đường đi của dây thần kinh hông to, vì các thuốc này có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại vi không hồi phục, gây liệt chi thể. 

+ Những trường hợp nặng có thể dùng nhóm chống viêm dạng corticoid, tuy nhiên nhóm thuốc này cần rất thận trọng vì nhiều tác dụng phụ trên hệ miễn dịch, tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, chuyển hóa..., nên dùng ngắn ngày, liều cao hoặc dùng tại chỗ và có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc. 

+ Thuốc giãn cơ vân (myonal, mydocalm...), có thể dùng dạng tiêm hoặc uống. Dùng sau bữa ăn, thận trọng cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng, trẻ em và người già (do hệ thống cơ vân yếu). Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ.

Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể dùng thuốc giãn cơ vân kéo dài tới cả tháng.

 + Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin tuy nhiên cũng nên dùng theo chỉ định của thầy thuốc, không nên coi nó là thuốc bổ mà lạm dụng. Hiện nay hay dùng dạng hỗn hợp 3 loại vitamin B.

+ Các thuốc có tác dụng tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi như galantamine. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế men cholinesterase (men phân hủy acethyl cholin ở khớp - xinap thần kinh). Chỉ định cho các trường hợp đau thần kinh hông to đã có ảnh hưởng tới chức năng của dây thần kinh. Các tác dụng phụ có thể thấy là choáng váng, đau bụng, buồn nôn. Nên dùng liều thấp rồi tăng dần.

+ Các biện pháp điều trị tại chỗ như tiêm vào khoang ngoài màng cứng, khoang cùng cần được các bác sĩ chuyên khoa tiến hành tại các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn cao. 

Những trường hợp thoát vị nặng hoặc điều trị bảo tồn không khỏi cần sử dụng các biện pháp can thiệp như chọc hút đĩa đệm qua da, mổ nội soi hoặc phẫu thuật lấy bỏ đĩa đệm thoát vị... Các trường hợp này cần được chỉ định chặt chẽ và tiến hành tại các cơ sở y tế tin cậy. Điều trị đau thần kinh hông to do thoái hóa cột sống thắt lưng và viêm khớp cùng chậu phương châm điều trị là bảo tồn, không can thiệp. Sử dụng các biện pháp sau:

+ Dùng thuốc giảm đau kháng viêm, lựa chọn thuốc tùy trường hợp cụ thể có thể dùng nhóm paracetamol, diclofenac, xicam, nhóm coxcib. 

+ Thuốc giãn cơ vân, myonal, mydocalm. 

+ Vitamin nhóm B: B1, B6, B12. + Các thuốc có tác dụng tăng dẫn truyền thần kinh như galantamine. 

+ Kết hợp với các thuốc dự phòng và chống loãng xương, thoái hoá cột sống như các thuốc nhóm biphosphonat, nhóm cancitonin, glucosamin... 

Tóm lại, điều trị đau dây thần kinh hông to quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân, sử dụng nhiều biện pháp như nội, ngoại, đông tây y. Kết hợp tại chỗ với toàn thân, coi trọng các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, kết hợp giữa tự điều trị của người bệnh và có sự giúp đỡ của thầy thuốc.

2. Bệnh Viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng khớp cùng chậu - khớp tạo bởi xương cùng và xương chậu bị viêm. Viêm khớp cùng chậu hay gặp trong bệnh viêm cột sống dính khớp (là một bệnh hay gặp ở nam giới trẻ tuổi, có viêm khớp cùng chậu và viêm dính các khớp ngoại biên và/hoặc cột sống) và phụ nữ mang thai hay sau đẻ hoặc đang mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu.

Sở dĩ viêm khớp cùng chậu hay gặp ở phụ nữ mang thai và sau đẻ bởi ở người mang thai - đặc biệt lúc đẻ - khung chậu giãn nở rộng do các dây chằng nối xương chậu với xương cùng bị mềm, ngấm nước và giãn ra. 

Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn cư trú sẵn ở vùng tiểu khung, ở đường tiết niệu sinh dục dễ xâm nhập gây viêm. Đến một thời điểm nào đó, có thể là trước đẻ, sau đẻ một thời gian (thường gặp hơn), viêm bùng phát biểu hiện bởi đau vùng mông một bên hay hai bên, đau âm ỉ liên tục, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi nhưng không hết hẳn. 

Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, xét nghiệm có tình trạng viêm như máu lắng, protein C phản ứng (CRP) tăng cao; đặc biệt khi chụp Xquang hoặc chụp cắt lớp vùng khung chậu sẽ thấy biểu hiện mờ (viêm) khớp cùng chậu. 

Điều trị viêm khớp cùng chậu

Khi chẩn đoán xác định viêm khớp cùng chậu, bác sỹ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc chống viêm, giảm đau, kháng sinh thích hợp cùng chế độ vận động nghỉ ngơi hợp lý.   Bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nên tái khám sau mỗi đợt điều trị! Chúc bạn mau khỏi!

Bình luận (0)

    Top